
Một đám cưới của người Dao Tiền ở xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn
Hình thức hỏi dâu rất đơn giản nhưng thách cưới cầu kỳ
Theo phong tục của người Dao Tiền nơi đây, đại diện đi hỏi vợ cho con chính là bố mẹ hoặc anh chị em ruột thịt, đến nhà gái chỉ hỏi bên gia đình nhà gái về ngày, tháng, năm sinh của người con gái mình định hỏi làm con dâu. Sau đó nhờ người biết xem sách Dao Nôm để đối chiếu cung số giữa tuổi con trai và con gái. Nếu cung số xấu (hai đứa số “sát” nhau hoặc “sát” bố mẹ chồng) thì hai bên trao đổi xin thôi cho con trẻ đi tìm người khác. Nếu cung số tốt thì đại diện nhà trai xin nhà gái cho con đến nhà gái làm công. Trong tục lệ người Dao Tiền, người con trai phải đến nhà gái ở ba ngày để theo bố mẹ nhà gái đi làm nương rẫy để xem người con gái làm việc có giỏi không và ngược lại cũng là cách đề nhà gái xem người con trai có biết việc không, cử xử như thế nào.
Khi đến xin làm công, người con trai đi cùng ông “mờ” (người làm mối) để trao đổi, gửi gắm con cho ở lại nhà gái. Hết ba ngày, nhà gái làm bánh cho người con trai đem về báo với bố mẹ và ông mờ là đã hoàn thành xong việc làm công. Nếu nhà gái thấy con trai biết việc, yêu thương con gái mình thì làm bánh có trộn mật ong hoặc đường, còn nếu không ưng sẽ làm bánh chỉ có nguyên bột, không có mật, đường gửi về.
Một tuần sau đó, nhà trai (bố mẹ hoặc anh chị) đến nhà gái đưa ra nhận xét về người con gái (do người con trai thông tin lại sau ba ngày làm công). Nếu cả hai ưng thuận thì bố mẹ nhà trai đến xin cho hai đứa đi lại bình thường, rồi xin nhà gái cho xem tuổi. Năm ấy được tuổi đại lợi thì xin ngày tháng để tổ chức lễ cưới cho con. Được nhà gái đồng ý thì nhà trai lại tiếp tục đến để nghe nhà gái “tính phần” cho anh em (chính là thách cưới). Người Dao Tiền xưa khống chế không quá 100 phần. Thông thường bao gồm: 10 vai lợn; 1, 2 nén bạc; 1, 2 đồng bạc trắng; gà 2 đôi; muối 20 kg; vải vuông 2 tấm; thịt chua 10 kg; rượu 0,5 lít; 01 con lợn 5-10kg; 200 cái bánh rán; 4 tờ giấy đỏ trắng; 4 con chỉ đỏ. Số lượng này giao cho nhà trai chuẩn bị, nếu thiếu một phần dù nhỏ nhà gái cũng không chấp nhận.
Đến nghi lễ rước dâu
Đây là nghi lễ rất quan trọng vì người Dao Tiền có phong tục rước dâu trước sau đó mới tổ chức lễ cưới. Trước khi rước dâu về, bố mẹ người con trai phải đón một ông “mờ”, một bà “mờ” và một bé gái khoảng 10- 15 tuổi cùng hai người nữa đến nhà gái ngủ lại từ đêm hôm trước. Sáng sớm ngày cưới, nhà gái làm cơm ăn xong sẽ sắp xếp cho cô dâu mặc đồ cưới (do nhà gái chuẩn bị) để nhà trai đón dâu. Nghi thức đón dâu của người Dao Tiền ra cửa bao giờ cũng phải đi về hướng Đông trước. Khi đến đầu hè nhà trai, cô dâu ngồi xuống ghế rồi ông “mờ” làm phép che chở cho cô dâu. Ông “mờ” làm xong, cô dâu móc ngón tay trỏ của mình vào ngón tay trỏ của em bé rước dâu rồi đi khoảng 50m thì dừng lại thay bộ quần áo cưới trả lại cho nhà gái. Gần vào đến nhà trai khoảng 50m thì dừng lại để người nhà trai đem quần áo cưới đã chuẩn bị sẵn mặc cho cô dâu, cô dâu lại tiếp tục móc tay với bé gái rồi đi vào trong nhà. Dừng trước bàn thờ tổ tiên khoảng 10 phút rồi thay bỏ trang phục cưới đang mặc là xong phần nghi lễ rước dâu.
Và lễ cưới
Khi nhà trai đón được dâu về đến nhà rồi mới đem lễ vật sang nhà gái để tổ chức cưới. Nhà trai cử 6 đến 8 người khỏe mạnh chuyển lễ vật đến nhà gái (theo số lượng nhà gái đã yêu cầu từ lúc hỏi dâu) và 2 đến 4 người con gái chưa chồng đem trang phục của người mang lễ đến nhà gái để mặc làm lễ. Đến nhà gái, tất cả đồ lễ để ở ngoài, gia đình nhà trai cử hai người là trưởng, phó đoàn xin ý kiến họ nhà gái cho phép đem lễ vật vào, nếu ai có ý kiến gì thì đưa ra để bàn bạc. Có nội dung này vì nhà gái được phép xem xét trong ba đời trước đây nhà trai làm gì có lỗi với nhà gái không, nếu trước đây mắc phải những lỗi lớn như: phạt nhà gái về tiền bạc, hủ hóa nhà gái hay đánh nhau thì bây giờ nhà gái được đòi lại. Khi hai bên thỏa thuận xong thì nhà trai mới được phép mang đồ lễ vào nhà và mới được xếp chỗ ngồi ăn uống cùng nhà gái.
Ăn uống xong, nhà trai bày đồ lễ vào 02 mâm gỗ và 01 cái nong do nhà gái chuẩn bị sẵn. Nhà gái cho hai người am hiểu phong tục đại diện đến kiểm tra số đồ lễ (nếu thiếu phải về lấy bằng đủ). Đồ lễ đã tươm tất, đầy đủ thì đại diện nhà gái sẽ tiến hành cúng lễ. Nghi thức này chỉ có bên họ ngoại của nhà gái mới được cúng. Sau khi cúng xong, con rể mới phải lạy 12 lạy hàng trên vai của nhà gái đến làm lễ và 12 lạy họ hàng nhà gái, nhận xong 12 lạy thì con rể sẽ thành con cái trong nhà.
Tính nhân văn sâu sắc
Sáng sớm hôm sau, nhà trai đem số bạc nén cùng đại diện nhà gái đi ra ngoài theo hướng đông để cân số bạc lên. Cân song người bố đẻ nói dặn dò con trai: Từ nay cứ theo đây mà làm, không được làm sai, không được ăn ở hai lòng, phải chung thủy yêu thương nhau, đã có trời đất chứng dám, nếu sai có trời phạt. Cũng vì câu nói này mà người Dao Tiền từ xưa lấy nhau dù có con hay không cũng không bỏ vợ hoặc lấy thêm vợ hai, cùng nhau chung sống một vợ một chồng đến cuối đời. Và người con gái sau khi làm lễ cắt khẩu sang nhà trai thì nhà trai sẽ làm lễ nhập khẩu cùng ngày cưới. Trong lễ nhập khẩu, họ nhà trai nhờ ông thầy làm lễ báo cáo với tổ tiên quản lý hộ khẩu cho con dâu mới và cầu mong tổ tiên phù hộ cho đôi vợ chồng mạnh khỏe, hạnh phúc, con đàn cháu đống, hạnh phúc giàu sang.
Ông thầy căn dặn thêm: Các con phải sống trọn vẹn tình yêu, khó khăn phải biết đứng lên, không nản chí, phải thương yêu nhau đến đầu bạc răng long. Những lời nhắc nhở ấy như còn in mãi trong lẽ sống của người Dao Tiền cho đến hôm nay, đây chính là nét đẹp nhân văn trong phong tục cưới hỏi của người Dao Tiền ở Thanh Sơn nói riêng và người Dao Tiền vùng đất Tổ nói chung. Nó thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào mà thế hệ hôm nay cần tiếp tục bảo tồn và phát huy đến mai sau./.
Phùng Huyền Trang
(UBND huyện Thanh Sơn)